Khi nhắc đến diễn viên, bạn sẽ ngay lập tức liên tưởng đến hình ảnh nào? Những con người của công chúng, được báo chí quan tâm và khả năng nhập vai tài tình? Ngoài những ánh hào quang của giới giải trí, còn khá nhiều bí mật bạn chưa biết về nghề nghiệp này. Nếu bạn quan tâm, đừng bỏ qua bất cứ thông tin nào có trong bài viết.
Giới thiệu về nghề diễn viên
Diễn viên là một ngành nghề hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Những người tham gia diễn xuất sẽ sử dụng giọng nói, biểu cảm gương mặt và ngôn ngữ hình tượng để diễn lại những nội dung đã có sẵn trong kịch bản, truyền tải một câu chuyện, thông điệp nhất định. Diễn viên có thể diễn xuất trên phim trường, nhà hát, sân khấu,…
Nhiệm vụ của diễn viên
Là một diễn viên, nhiệm vụ quan trọng nhất chính là diễn xuất. Để mang đến những thước phim chân thực, truyền tải được tư tưởng của biên kịch, những người tham gia diễn xuất phải tiến hành thử vai và nghiên cứu kịch bản.
Những nghệ sĩ gạo cội, chuyên nghiệp nhất còn thường dành nhiều thời gian tìm hiểu về nhân vật mình sẽ thủ vai, sống thử cuộc sống của họ để có được cách thể hiện chân thực nhất.
Một số vai diễn đặc biệt sẽ yêu cầu người tham gia diễn xuất phải thay đổi ngoại hình, giọng nói. Trong trường hợp này, diễn viên phải làm việc với tổ phục trang, hóa trang và đạo diễn để có được ngoại hình phù hợp nhất.
Cuối cùng, người nghệ sĩ cũng cần phải tương tác với đồng nghiệp và đặc biệt là đạo diễn, biên kịch. Trong một số trường hợp, nghệ si sẽ cần trao đổi với đạo diễn để thay đổi kịch bản theo cách hợp lý, đúng với diễn biến tâm lý của nhân vật nhất.
Phân loại diễn viên
Khi nhắc đến diễn viên trong giới giải trí, chắc hẳn bạn sẽ thường nhớ đến những nghệ sĩ hiện trên màn ảnh rộng hay phim truyền hình khá quen thuộc với khán giả. Tuy nhiên, ngoài điện ảnh và truyền hình, còn khá nhiều lĩnh vực giải trí khác yêu cầu người nghệ sĩ phải có khả năng diễn xuất. Một số kiểu diễn viên phổ biến có thể kể đến như diễn viên kịch truyền thống, diễn viên hài, diễn viên lồng tiếng,…
Một số điểm mạnh và điểm yếu khi tham gia diễn xuất
Triển vọng phát triển cùng những đặc quyền chỉ có những người tham gia diễn xuất mới có khiến cho ngành nghề này khá được các bạn trẻ quan tâm và yêu thích. Tuy nhiên, con đường diễn xuất luôn mang đến những trải nghiệm tuyệt vời?
Thực tế, đằng sau ánh hào quang của nghiệp diễn là khá nhiều vấn đề. Nếu bạn quan tâm đến những điểm mạnh và điểm yếu khi làm diễn viên, dưới đây là một số thông tin bạn có thể tham khảo.
Tại sao nên theo đuổi con đường diễn xuất?
Khi trở thành diễn viên, bạn chính là người của công chúng, có sức ảnh hưởng nhất định. Ngoài tham gia diễn xuất, bạn cũng có thể được mời xuất hiện trong các sự kiện, làm người đại diện của các nhãn hàng và tiếp tục phát triển hơn nữa trong con đường hoạt động nghệ thuật. Và những hoạt động này sẽ đem lại nguồn thu nhập không nhỏ.
Ngoài thu nhập, công việc này còn mang đến cơ hội khẳng định bản thân, nâng cao danh tiếng của bạn. Nếu bạn luôn cố gắng hoàn thiện bản thân từng ngày, trở thành một minh tinh nổi tiếng với những vai diễn để đời sẽ không còn là ước mơ xa vời.
Là diễn viên bạn cũng sẽ có cơ hội làm quen với nhiều người hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Cơ hội tiếp xúc này giúp bạn có cơ hội mở rộng các mối quan hệ của mình.
Điều cần cân nhắc trước khi theo đuổi con đường diễn xuất
Những đặc quyền mà nghệ sĩ được hưởng luôn đi kèm với áp lực, yêu cầu khắt khe. Trước khi quyết định phát triển sự nghiệp theo hướng diễn xuất chuyên nghiệp, bạn cần phải sẵn sàng thay đổi không ngừng để đáp ứng yêu cầu của vai diễn.
Những người làm công việc diễn xuất cũng chịu khá nhiều áp lực. Đặc biệt, trong trường hợp người nghệ sĩ đã có được một lượng người hâm mộ nhất định, áp lực diễn xuất càng đè nặng.
Diễn viên cũng không phải là một nghề nghiệp ổn định. Nghề diễn xuất không có thời gian làm việc cố định. Các dự án làm phim sẽ kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định. Trong thời gian này, nghệ sĩ phải tập trung cao độ để hoàn thành tốt vai diễn. Sau khi dự án hoàn thành, nghệ sĩ phải mất một thời gian để có thể thoát vai trước khi tiếp tục tham gia diễn xuất ở một bộ phim khác.
Làm diễn viên cần những yếu tố nào?
Diễn viên là ngành nghề đặc biệt, yêu cầu cần phải có năng khiếu lẫn sự nỗ lực của mỗi cá nhân. Nếu bạn tò mò về bí quyết thành công của những nghệ sĩ nổi tiếng, dưới đây là những yêu cầu quan trọng nhất đối với một người tham gia diễn xuất.
Khả năng diễn xuất
Khả năng diễn xuất là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với một nghệ sĩ. Khả năng diễn xuất bao gồm khả năng phân tích kịch bản để tìm cách thể hiện nhân vật chính xác nhất, khả năng tái hiện nhân vật, nhập tâm và hóa thân vào vai diễn.
Những nghệ sĩ thành công nhất sẽ mang đến những thước phim tự nhiên, chân thực và sống động. Những nghệ sĩ chân chính sẽ thường không ngại làm mới mình bằng cách hóa thân vào nhiều vai diễn có tính cách, bối cảnh, độ tuổi và câu chuyện khác nhau.
Diễn viên cần hiểu và hiện thực hóa kịch bản
Nhiệm vụ của những người tham gia diễn xuất là biến những ý tưởng nằm trên trang kịch bản thành một tác phẩm nghệ thuật sống động. Người nghệ sĩ sẽ phải có trí tưởng tượng, đặt mình vào vị trí của nhân vật hư cấu để từ đó có hành động, cử chỉ, lối diễn xuất phù hợp với nhân vật.
Có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt
Lịch trình quay phim cùng những yêu cầu đối với ngoại hình nhân vật khiến nghệ sĩ phải luôn ý thức đến việc bảo vệ sức khỏe của mình. Việc thức trắng đêm để thực hiện một cảnh quay hay duy trì chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt diễn ra khá thường xuyên. Nếu không có được sức khỏe tốt và khả năng chịu áp lực, người nghệ sĩ sẽ không thể hoàn thành vai diễn của mình.
Phối hợp tốt với đoàn làm phim, bạn diễn
Khi tham gia diễn xuất, nghệ sĩ không chỉ làm việc một mình. Họ còn cần hợp tác với tất cả các thành viên trong đoàn làm phim, đặc biệt là bạn diễn. Một minh tinh xuất sắc không thể làm nên một bộ phim hấp dẫn. Thay vào đó, chỉ khi tất cả các diễn viên tương tác tự nhiên và cùng tham gia diễn xuất, tác phẩm nghệ thuật mới có thể được khán giả đón nhận.
Niềm đam mê đối với nghề diễn
Diễn xuất không đơn giản là một nghề nghiệp với đầy ánh hào quang. Những người theo đuổi ngành nghề này thường xuyên phải đối mặt với áp lực từ dư luận và nhiều bên liên quan. Những cạnh tranh, cám dỗ trong giới giải trí cũng thử thách bản lĩnh của người nghệ sĩ. Nếu không có niềm đam mê mãnh liệt với con đường diễn xuất, người nghệ sĩ sẽ rất dễ mắc phải sai lầm.
Nên học diễn xuất tại Trường Sân khấu Điện ảnh không?
Với những chuyên ngành khá hấp dẫn, Trường đại học Sân khấu Điện ảnh có phải là địa chỉ đào tạo diễn viên uy tín? Nếu bạn còn đang phân vân về chất lượng đào tạo của trường, dưới đây là một số thông tin bạn cần biết.
Đội ngũ giảng viên nhiệt huyết, có kinh nghiệm về nghệ thuật
Trường đại học Sân khấu Điện ảnh nổi tiếng với đội ngũ giảng viên có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Đặc biệt hơn, những Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ tham gia giảng dạy tại trường luôn năng động, nhiệt huyết, thấu hiểu tâm lý của sinh viên. Nhờ đó, đội ngũ giảng viên luôn tạo được không khí học tập hứng khởi và có nhiều phương pháp giảng dạy hiệu quả.
Cơ sở vật chất hiện đại
Trường đại học Sân khấu Điện ảnh đầu tư khá nhiều cho cơ sở vật chất. Học tập tại đây, bạn sẽ được sử dụng các phòng học, phòng tập và những thiết bị máy móc phục vụ cho việc ghi hình, quay phim. Trường cũng có các phòng chiếu phim với đầy đủ tư liệu để sinh viên có thể tham khảo và thực hành diễn xuất.
Mức học phí đào tạo diễn viên phù hợp
Khác với xu hướng tự chủ tài chính của các trường đại học công hiện nay, Trường đại học Sân khấu Điện ảnh vẫn duy trì mức học phí không quá cao. Tùy theo số lượng tín chỉ sinh viên đăng ký, học phí từng năm sẽ dao động trong khoảng từ 5 – 10 triệu đồng.
Một số tên tuổi diễn viên nổi bật của Việt Nam
Sau khi đã tìm hiểu khá nhiều thông tin liên quan đến con đường diễn xuất, chắc hẳn giờ bạn đang rất nóng lòng muốn biết về những gương mặt nghệ sĩ trẻ nổi bật của Việt Nam. Và dưới đây là một số cái tên quen thuộc mà chắc chắn bạn đã từng ít nhất một lần bắt gặp.
Ninh Dương Lan Ngọc
Ninh Dương Lan Ngọc được ca ngợi là ngọc nữ thế hệ mới của màn ảnh rộng. Nữ diễn viên tham gia nhiều bộ phim điện ảnh ăn khách của màn ảnh Việt như Cưa lại vợ bầu, Gái già lắm chiêu,… Mặc dù vẫn còn gây một số tranh cãi trong diễn xuất, tuy nhiên không thể phủ nhận Ninh Dương Lan Ngọc là một trong những nữ nghệ sĩ được quan tâm nhất hiện nay.
Ngọc nữ Tăng Thanh Hà
Mặc dù đã gác lại sự nghiệp diễn xuất khá nhiều năm, nhưng Tăng Thanh Hà vẫn là ngọc nữ trong giới nghệ sĩ. Cô đã để lại nhiều dấu ấn mạnh mẽ trong cả mảng điện ảnh lẫn truyền hình. Trong đó, vai diễn nổi tiếng nhất của cô chắc chắn là cô gái bán sách trong bộ phim “Bỗng dưng muốn khóc” đóng cùng Lương Mạnh Hải.
Việt Anh
Diễn viên Việt Anh thường gắn liền với những vai phản diện. Một số vai diễn anh từng thủ vai có thể kể đến như tội phạm trong phim Chạy án thuộc loạt phim Cảnh sát hình sự, thiếu gia Phan Hải trong Người phán xử,…
Kết luận
Diễn viên là nghề nghiệp khá hấp dẫn tuy nhiên cũng đi kèm với nhiều yêu cầu khắt khe. Những thông tin trong bài viết mới chỉ đề cập đến một số khía cạnh của ngành nghề này. Và mong rằng qua những chia sẻ tổng quát trên, bạn đã có cái nhìn sâu sắc hơn về nghề nghiệp diễn xuất đồng thời có được nhiều thông tin hữu ích.