Họa sĩ là những người đã đích thân tạo ra hàng loạt kiệt tác nghệ thuật cho đời. Đến với thế giới hội họa, bạn sẽ được thỏa sức sáng tạo và qua đó, thể hiện cá tính riêng của bản thân. Vậy cần làm gì để có thể trở thành họa sĩ? Liệu theo học nhóm ngành hội họa ra trường có thất nghiệp không? Tham khảo ngay bài viết sau để tìm câu trả lời chính xác nhất nhé.
Họa sĩ là nghề nghiệp như thế nào?
Họa sĩ không đơn thuần chỉ là người cầm cọ vẽ tranh. Hơn hết, họ còn được ví như những nghệ nhân thực thụ, luôn sẵn sàng làm việc bất chấp thời gian để tạo ra hàng loạt kiệt tác. Người hoạt động trong lĩnh vực này thường có khả năng sáng tạo tương đối cao, có thể cho ra nhiều ý tưởng độc lạ chỉ trong thời gian ngắn.
Vậy có phải cứ cầm bút lên vẽ là trở thành họa sĩ? Câu trả lời là không. Người thực sự có chuyên môn sẽ biết cách dung hòa giữa hai yếu tố cảm quan và thị giác. Họ biết mình cần phải thổi hồn cho toàn bộ bức tranh, khiến cho người xem vừa nhìn vào đã nhận ra câu chuyện hoặc thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm. Nghề họa sĩ hiện nay cũng được chia ra làm nhiều nhóm chính
Nhóm 1 – Họa sĩ tự do
Lựa chọn phát triển theo hướng họa sĩ tự do, các bạn trẻ được thỏa sức sáng tạo theo tất cả chủ đề mình yêu thích, không bị gò bó hay giới hạn bởi bất kỳ cơ quan/tổ chức nào. Với phương châm “Tự do thúc đẩy sáng tạo”, phong cách làm việc này cũng giúp GenZ dần bộc lộ được hết chất riêng của mình, khẳng định hình ảnh thương hiệu cá nhân và có thêm cơ hội để phát triển bản thân.
Nhóm 2 – Nhóm hoạt động bán tự do
Hoạt động bán tự do được định nghĩa là những người làm theo hình thức tự do nhưng bên cạnh đó họ vẫn hợp tác với một số doanh nghiệp và chịu sự quản lý của cơ quan/tổ chức nơi làm việc. Mặc dù hình thức này đem lại cho họa sĩ không ít cơ hội để thể hiện năng lực và khả năng sáng tạo của bản thân, tuy nhiên, áp lực công việc mà bạn phải chịu cũng tương đối lớn.
Nhóm 3 – Nhóm làm việc cố định
Họa sĩ làm việc cố định là người hoạt động dưới sự kiểm soát và quản lý của một cơ quan hoặc tổ chức bất kỳ. Khác với hai nhóm còn lại, người làm việc theo hình thức cố định thường sẽ ký hợp đồng lâu dài với công ty chủ quản. Lúc này, những tác phẩm mà người đó tạo ra cần đáp ứng đúng với tiêu chí cũng như chủ đề mà cấp trên đưa ra.
Lựa chọn theo hình thức này, họa sĩ sẽ không cần phải quá đau đầu lên ý tưởng bởi thông thường, công ty sẽ có đội ngũ nhân viên cố vấn theo sau hỗ trợ. Tuy vậy, đôi khi việc đi theo một khuôn mẫu nhất định cũng tạo ra nhiều khó khăn trong quá trình đi tìm nguồn cảm hứng để cho ra tác phẩm ưng ý nhất.
Công việc chi tiết của nghề gồm những gì?
Trong suy nghĩ của nhiều người, bất cứ ai cầm cọ lên sau đó cho ra tác phẩm đẹp đều có thể được công nhận là họa sĩ. Thực tế thì không phải vậy. Một người nghệ nhân khi muốn tạo ra kiệt tác luôn phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và chất xám. Nhìn chung, tất cả đều tin tưởng đi theo quy trình 3 bước như sau
Họa sĩ tìm nguồn cảm hứng mới
Nguồn cảm hứng là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của một tác phẩm. Nó không nhất thiết phải xuất phát từ những điều gì đó quá cao siêu mà đôi khi, ý tưởng để khắc họa nên một kiệt tác nghệ thuật lại vô tình đến từ điều giản dị xung quanh cuộc sống đời thường của con người.
Việc khai thác ý tưởng chưa bao giờ là điều dễ dàng với người làm hội họa. Họa sĩ bắt buộc phải vận dụng nhiều kỹ năng cùng một lúc để tìm kiếm nguồn cảm hứng phù hợp như khả năng sáng tạo, kỹ năng nhìn nhận và đánh giá tính thực tiễn của chủ đề, kỹ năng khai thác câu chuyện từ tranh vẽ,….
Sáng tạo ý tưởng, thiết kế bản vẽ
Sau khi đã chốt chủ đề và thể loại tranh, người họa sĩ có nhiệm vụ lên bản ý tưởng mở rộng (hay còn được gọi là bản ý tưởng sáng tạo). Lúc này, từ nguồn cảm hứng sơ khai, bạn cần khai thác thêm một vài chi tiết phù hợp, liên quan đến bức tranh để đưa vào “làm nền” cho nhân vật chính hoặc tăng chiều sâu cho tác phẩm.
Dựa trên bản phác thảo, người họa sĩ sẽ tạo nên nên một bức tranh thể hiện đúng tinh thần cũng như chủ đề mà họ đang muốn truyền tải. Họ không chỉ đơn giản là cầm cọ lên mà vẽ mà còn phải nghĩ cách làm sao để có sự đồng điệu về tâm hồn với người xem, giúp người xem hiểu được ý nghĩa của bức tranh.
Kiểm tra tổng thể bức tranh và trưng bày ra trước công chúng
Bản vẽ sau khi được hoàn thiện không phải ngay lập tức có thể trình làng ngay. Trên cương vị là người tạo ra tác phẩm, bạn cần kiểm tra thật kỹ lưỡng chất lượng tranh, màu sắc, chi tiết và nhìn sơ qua bố cục tổng thể để tránh sai sót khi đưa lên trưng bày.
Họa sĩ có quyền quyết định mình sẽ trưng bày tác phẩm ở đâu: tại phòng tranh hay triển lãm? Ngoài ra, nếu muốn “đứa con tinh thần” của mình được xuất hiện ở những nơi đẳng cấp hơn, bạn có thể bỏ thêm một phần chi phí giữ chỗ tại các sự kiện tầm cỡ quốc tế.
Ai có thể trở thành người họa sĩ?
Hội họa là nhóm ngành đi theo thiên hướng nghệ thuật và cũng không quá khắt khe về vấn đề bằng cấp. Do vậy, tất cả mọi người đều có cơ hội trở thành họa sĩ tài ba trong tương lai. Tuy nhiên, để có thể đi đường dài ở lĩnh vực này, bạn nên là người hội tụ đủ những yếu tố sau
Có khả năng sáng tạo tốt
Hoạt động chính trong lĩnh vực hội họa – mỹ thuật, khả năng sáng tạo là kỹ năng bắt buộc phải có. Không chỉ dừng lại ở mức cơ bản, một người họa sĩ giỏi đòi hỏi họ phải có khả năng lên ý tưởng, tìm kiếm nguồn cảm hứng vẽ tranh ở tất cả các chủ đề được giao.
Họa sĩ cần có khả năng nhìn nhận màu sắc
Bảng màu thiết kế trong lĩnh vực mỹ thuật không đơn giản chỉ là các màu cơ bản như đỏ, tím hay vàng mà nó bao gồm hơn 100 sắc độ khác nhau. Bằng cách vận dụng kiến thức chuyên môn, người họa sĩ tiến hành chọn ra màu sắc phù hợp bức tranh.
Đôi khi, có những tác phẩm chỉ sử dụng đúng 1 tông màu cố định nhưng lại được tác giả tăng giảm sắc độ tùy theo từng chi tiết, làm sao cho ra tổng thể hài hòa, hợp mắt nhất. Như vậy, bạn hoàn toàn có thể hiểu được kỹ năng “chơi màu” quan trọng ra sao ở mảng mỹ thuật – hội họa.
Luôn luôn nói không với đạo nhái
Mỗi tác phẩm nghệ thuật xuất hiện trong cuộc sống này đều được tạo ra từ mồ hôi công sức của những người họa sĩ thực thụ. Do vậy, bạn cần học cách tôn trọng chính đồng nghiệp của mình, không lấy hay đạo nhái bất kỳ ý tưởng nào từ người khác.
Việc đạo nhái ý tưởng cho dù nhiều hay ít thì cũng làm giảm đi độ tin cậy của bạn trong mắt khách hàng. Thậm chí, đã có không ít người phải bỏ nghề sau khi bị phát hiện có ý lấy cắp bản thiết kế của một danh họa nổi tiếng khác.
Họa sĩ có cần học tập trường lớp nào hay không?
Toàn thế giới hiện có rất nhiều họa sĩ nổi tiếng không theo học bất cứ trường lớp nào nhưng vẫn để lại cho đời những kiệt tác nghệ thuật độc đáo. Thậm chí, tại Việt Nam, có một vài trẻ còn chấp nhận từ bỏ giấc mơ đại học để theo đuổi con đường mỹ thuật – hội họa mà mình yêu thích. Như vậy có thể thấy, việc theo học các khối ngành chuyên môn giờ đây không còn là vấn đề quá quan trọng nữa.
Trên thực tế, việc quyết định có theo học tại các cơ sở đào tạo họa sĩ hay không còn phụ thuộc khá nhiều vào định hướng cũng như nguyện vọng của mỗi người. Nếu bạn đang làm việc cho một công ty hoặc tổ chức nhất định thì sở hữu ít nhất một bằng cấp có liên quan đến lĩnh vực hội hoạ cũng là căn cứ giúp bạn có thêm cơ hội để thăng tiến lên những vị trí cao hơn.
Ngược lại, nếu hoạt động dưới hình thức họa sĩ tự do, bạn không nhất thiết phải học qua bất kỳ trường lớp nào, chỉ cần có khả năng sáng tạo tốt, biết cách làm việc đúng với yêu cầu khách hàng đưa ra. Tuy vậy, tất cả mọi thứ đều cần sự đánh đổi. Khi không theo học tại các cơ sở đào tạo chuyên môn, bạn sẽ phải tự mày mò, tìm hiểu, tự học tất tần tật kiến thức liên quan.
Cơ hội việc làm tiềm năng trong tương lai như thế nào?
Không như những khối ngành thuộc nhóm kinh tế hay khoa học, sinh viên hội họa – mỹ thuật sau khi ra trường rất ít người phải đối diện với tình trạng thất nghiệp. Các bạn trẻ luôn có rất nhiều sự lựa chọn khác nhau như làm việc trực tiếp trong lĩnh vực hội họa, tham gia công tác giảng dạy các nhóm ngành liên quan đến mỹ thuật, tham gia cố vấn hình ảnh cho các triển lãm, dự án,…..
Khi mới ra trường, nếu cảm thấy vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi đi xin việc tại các phòng tranh, bạn có thể làm họa sĩ tự do. Mức lương trung bình của ngành tuy không thể cao như những người đã có kinh nghiệm lâu năm trong ngành nhưng nếu biết cách xây dựng thương hiệu cá nhân, nhiều khách hàng sẵn sàng bỏ ra trên dưới 10 triệu đồng để thuê bạn.
Về định hướng lâu dài, người theo đuổi lĩnh vực hội họa – mỹ thuật có thể học lên cấp bậc thạc sĩ, tiến sĩ họa sĩ sau đó đăng ký giảng dạy tại các trường cao đẳng, đại học. Ngoài ra, sau khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm chuyên môn, bạn hoàn toàn có cơ hội được trở thành cố vấn hình ảnh cấp cao cho nhiều sự kiện lớn trong và ngoài nước. Mức thu nhập ước tính lên đến 9 chữ số.
Lời kết
Họa sĩ mặc dù là khối ngành hot trong nhiều năm gần đây nhưng vẫn còn không ít người quan ngại về triển vọng nghề nghiệp của lĩnh vực này. Hy vọng với những thông tin bài viết vừa cung cấp bên trên sẽ giúp bạn phần nào hiểu hơn về “nghề cầm cọ vẽ tranh” nhé.